Bảo vệ lúa gạo trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu

Trong khuôn khổ Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 3, Hội thảo Xâm nhập mặn và khô hạn ở Đồng bằng sông Cửu Long: Thực trạng – giải pháp ứng phó – bảo vệ và phát triển hạt gạo Việt Nam đã tập trung phân tích tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lúa gạo.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích đất trồng lúa 1,85 triệu ha, chiếm khoảng 48,7% diện tích đất trồng lúa cả nước, dân số gần 18 triệu người (chiếm khoảng 12% diện tích đất và 22% dân số cả nước).

Hằng năm, ĐBSCL đóng góp khoảng 27% GDP của cả nước, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho cả nước, nâng cao đời sống vật chất, tạo cơ hội việc làm cho cư dân ở khu vực nông thôn.

Sản lượng lúa tại ĐBSCL tăng chủ yếu do tăng năng suất từ ứng dụng giống lúa mới, áp dụng khoa học kỹ thuật, hệ thống thủy lợi nội đồng được đầu tư khá đồng bộ và năng lực, trình độ canh tác của nông dân được nâng lên.

Tuy vậy, ngành sản xuất lúa gạo ĐBSCL còn nhiều hạn chế, như quy mô của doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu gạo thiếu vốn, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, trong khi trình độ công nghệ còn thấp. Công tác nghiên cứu thị trường, quảng cáo, xây dựng thương hiệu chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức.

Tình trạng tranh mua tranh bán giữa doanh nghiệp với nhau vẫn còn diễn ra. Vấn đề ô nhiễm môi trường trong sản xuất và chế biến đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái tự nhiên và đời sống của người dân. Đặc biệt trong những năm gần đây, ĐBSCL đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do biến đổi khí hậu.